Hào hứng sinh hoạt dưới cờ

“Yên tâm, tớ sẽ thông chốt an toàn”, hai nam sinh Trường THPT Yên Hòa đi xe máy, đầu không mũ bảo hiểm, mặc sai trang phục bàn với nhau cách lọt qua đội trực tuần để vào trường. Dù tính “trăm phương nghìn kế”, họ vẫn bị “tóm gọn”. Kịch tính được đẩy lên bởi những màn khai gian chối tội bị đưa ra ánh sáng... Kết thúc hoạt cảnh đầu tiên trong tiết Sinh hoạt dưới cờ ngày thứ hai đầu tuần, khi người dẫn chương trình vừa đưa ra câu hỏi xử lý tình huống, cả một “rừng” cánh tay hào hứng đưa lên xin trả lời. Cùng nhau phân tích cái sai, hành động chưa đẹp của hai nam sinh trong tiểu phẩm, các em đưa ra giải pháp, hướng tới xây dựng nếp sống văn minh, thanh lịch trong trường học.

Cứ thế, bằng hình thức kịch hóa, đối thoại, đố vui có thưởng... những thành viên của đội trực tuần này nhẹ nhàng đưa học sinh toàn trường trở lại những ngày trong tuần để cùng rút kinh nghiệm về lối sống, cách ứng xử chưa chuẩn mực, cũng như động viên, khen thưởng những lớp thực hiện tốt nội quy nhà trường. Thông qua hình thức sinh hoạt dân chủ, sôi nổi, các em được bày tỏ tiếng nói của mình, tự nhìn ra những điều chưa được và nhắc nhau cùng làm tốt hơn trong tuần tiếp theo.

Bồi đắp phong cách sống đẹp cho học sinh
      

Học sinh Trường THPT Yên Hòa nhắc nhở nhau thông qua những tiểu phẩm trẻ trung, hài hước, bổ ích.

Cùng với giờ sinh hoạt đầu tuần còn có buổi hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp do 9 tập thể lớp cùng tổ chức. Hoạt động nhằm giúp học sinh toàn trường tìm hiểu những nét đẹp trong văn hóa, truyền thống và nội quy của nhà trường. Từ đó bước vào những tuần học với một tâm thế mới. Sau những bước nhảy đầy sức sống mang đến một nguồn năng lượng cho tuần học mới, cả sân trường lại sôi động với trò chơi “Tìm hiểu về nội quy, truyền thống nhà trường và văn hóa học đường”. Các em hò reo đầy phấn khích bởi chưa bao giờ nội quy trường học lại được tái hiện dưới một tiết tấu sôi động của nhạc rap, một lời vè vần điệu dễ nhớ, chứa đựng đầy đủ các thông tin.

Em Minh Thư, học sinh lớp 11A7 chia sẻ: “Chúng em rất thích những buổi sinh hoạt dưới cờ. Bởi những buổi sinh hoạt đó rất thú vị, dễ hiểu và được thư giãn lành mạnh”. Còn em Nguyễn Anh Đức, "Rapper" kiêm người dẫn chương trình hào hứng cho biết: “Thay vì phát một tờ nội quy khô khan, tiết mục văn nghệ sẽ giúp các bạn ghi nhớ tốt hơn. Chúng em cũng hiểu hơn công việc vất vả của đội trực tuần, từ đó tự giác nhắc nhở nhau thực hiện nếp sống, nội quy, không còn là những buổi sinh hoạt phê bình gây căng thẳng như trước”.

Mỗi thầy cô là một tấm gương

Tiết sinh hoạt dưới cờ và hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp là giờ giáo dục tập thể được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Đây là một diễn đàn để nhà trường thực hiện nhiệm vụ giáo dục đạo đức học sinh. Đồng hành với các lớp tổ chức những hoạt động này, cô giáo Hoàng Thị Vân, Bí thư Đoàn trường cho biết: “Mỗi tuần các lớp sẽ luân phiên nhiệm vụ trực tuần và mỗi tháng sẽ tổ chức một hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp theo từng chủ đề. Những câu chuyện văn hóa học đường được các em chủ động khai thác, thực hiện quanh bối cảnh quen thuộc mỗi ngày đến trường với nhiều mâu thuẫn và rắc rối. Bằng cách của mình, các em đã khéo léo truyền tải những bài học về cách ứng xử, thái độ với bạn bè một cách chuẩn mực, xứng đáng với truyền thống thanh lịch, văn minh của học sinh Thủ đô”.

Xác định giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh là nhiệm vụ trọng tâm hằng năm của nhà trường, cô Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa cho hay: “Giáo dục đạo đức, lối sống không đơn giản chỉ một hoạt động mà được lồng ghép khéo léo vào trong tất cả hoạt động của trường. Từ các giờ dạy đến hoạt động ngoài giờ học, trải nghiệm; từ cử chỉ, cách ăn mặc của thầy cô đến cách học sinh nói năng, thưa gửi”.

Theo thiết kế của trường, một năm ngoài 4 hoạt động trải nghiệm lớn, hằng tháng các em đều có hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp. Học sinh tham gia xây dựng kế hoạch, kịch bản và là người thể hiện ý tưởng, giáo viên chỉ đứng sau định hướng. Từ đó, khơi dậy ở các em tính tích cực, chủ động, sáng tạo, tinh thần hợp tác, trách nhiệm đối với bản thân, đối với tập thể và cộng đồng. Các kỹ năng hoạt động độc lập, tự chủ, kỹ năng giao tiếp, ứng xử trong các mối quan hệ tập thể lớp và ngoài xã hội được hình thành, củng cố và phát triển.

“Để thu hút sự chú ý lắng nghe của gần 1.000 học sinh là điều không đơn giản. Với tâm lý lứa tuổi học sinh, nếu các thầy cô cứ cứng nhắc trong buổi chào cờ phê bình lớp này, khen ngợi lớp kia thì rất nhàm chán. Nhưng khi học sinh dùng chính cách của mình nói cho nhau, nhắc nhở nhau lại rất sinh động. Cách nhắc nhở hài hước, đôi khi có gì đó còn khiếm khuyết nhưng vẫn là cách được các em thích thú tiếp nhận. Lớp này làm sáng tạo, thì lớp sau sẽ cố gắng làm tốt hơn, vui hơn. Như vậy sự sáng tạo của học sinh ngày càng phong phú. Một cái được khác là khi các em lên thể hiện, bản thân các em không bao giờ muốn mình là người vi phạm. Còn thầy cô, với vai trò tư vấn, định hướng cũng phải điều chỉnh cách dạy, cách ứng xử của mình để hoàn thiện bản thân hơn”, cô giáo Nguyễn Thị Nhiếp chia sẻ.

Sự linh hoạt, sáng tạo trong thực hiện các hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống của Trường THPT Yên Hòa đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng văn hóa học đường Thủ đô; tạo niềm tin cho xã hội về chất lượng giáo dục-đào tạo nên những thế hệ công dân tốt, có phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội.
Nguồn: 
https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/boi-dap-phong-cach-song-dep-cho-hoc-sinh-706991